Phong cách nêu gương trong giữ gìn đạo đức, lối sống, tác phong, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật của đảng viên, cán bộ, công chức Thanh tra tỉnh
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải nêu gương về đạo đức, trước hết mình phải tự làm gương “Cố gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác cố gắng làm gương cho dân”.Trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó mà noi theo, qua đó mà làm tăng thêm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu, lan tỏa những điều tốt, cái đẹp trong xã hội.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công,vô tư là phẩm chất đạo đức cách mạng chủ yếu, là nhân cách của con người. Người viết:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người.”
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một nội dung cơ bản không thể thiếu trong phong cách làm việc và nhân cách đạo đức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên, công chức thanh tra.
Với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ và tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Một trong những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn phức tạp, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức thanh tra trên cương vị của mình cần thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác về đạo đức, kể cả đạo đức truyền thống và đạo đức trong công vụ. Thực hiện tốt phẩm chất đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
“Cần” ở đây là cần mẫn, chăm chỉ, siêng năng, miệt mài, say sưa với công việc được giao. Trong hành động phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, luôn chủ động, sáng tạo, chịu khó học tập, suy nghĩ tìm mọi cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhanh nhất công việc với chất lượng, hiệu quả cao nhất, không lười biếng, ngại khó, ngại khổ, làm việc qua loa, tắc trách, để công việc dây dưa, kéo dài, chất lượng thấp.
“Kiệm” trước hết phải tiết kiệm về thời gian, phải sử dụng một cách có hiệu quả thời gian lao động quy định, không đi muộn về sớm, ngồi chơi trong giờ làm việc; phải tận dụng thời gian để giải quyết công việc. Sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả trang thiết bị, kinh phí được cấp để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
“Liêm” đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải trong sạch, không để vẩn đục trong tư tưởng và hành động; sống bằng thu nhập chính đáng của bản thân, phải đấu tranh chống tư tưởng thực dụng, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, bất chấp pháp luật, đạo đức để tham ô tài sản của nhà nước, của tập thể.
“Chính” là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, ủng hộ cái đúng, cái thiện, biết tôn trọng lẽ phải, làm theo lẽ phải, đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Đối với những điều sai trái thì dù có lợi cho bản thân cũng không làm, không đồng tình và kiên quyết đấu tranh.
Thực hiện lời dạy trên của Bác, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 345/CT-TTCP ngày 23/2/2012 của Thanh tra Chính phủ về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong những năm qua, cấp ủy, lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã tích cực triển khai cuộc vận động.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức Thanh tra tỉnh đã có nhiều cố gắng, thực hiện tốt cuộc vận động và các quy định của Đảng, Nhà nước, của ngành; thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm của công chức với nhà nước, với nhân dân; thực hiện các quy định về văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra khi thi hành công vụ; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Cán bộ, đảng viên, công chức trong đơn vị luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, giản dị, nêu cao ý thức trách nhiệm trong công việc, tìm tòi, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết công việc chuyên môn. Trong công tác, khi giải quyết các nhiệm vụ đột xuất đã tận dụng tối đa thời gian không kể trong hay ngoài giờ hành chính để đảm bảo đúng tiến độ. Hầu hết cán bộ công chức chấp hành tốt kỷ cương hành chính, lề lối làm việc, chấp hành nghiêm túc quy định về thời gian, giờ giấc làm việc; thực hiện việc sử dụng trang phục ngành đúng quy định, không uống rượu, bia trong giờ hành chính…
Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên, công chức Thanh tra tỉnh trong quá trình xử lý đơn thư, thụ lý, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đều đảm bảo các vụ việc được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, không để xảy ra các trường hợp sai sót làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, cán bộ, đảng viên, công chức luôn thể hiện thái độ tôn trọng, lắng nghe ý kiến và hướng dẫn nhiệt tình để người dân thực hiện đúng, không gây phiền hà, khó khăn cho người dân.
Với lĩnh vực thanh tra, phòng chống tham nhũng, cán bộ, công chức thanh tra đã luôn nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng, không lợi dụng vị trí, chức trách nhiệm vụ để tham ô, tham nhũng; bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, luôn vững vàng, không dao động, bị cám dỗ về vật chất, không nhũng nhiễu, gây phiền hà cho đối tượng thanh tra. Thực hiện tốt 5 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra ban hành kèm theo Quyết định số 1821-QĐ/BCS ngày 30/12/2011 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, các quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Hầu hết cán bộ, đảng viên, công chức đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí là tấm gương tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, công chức Thanh tra cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được tặng nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành. Kết quả, thành tích công tác của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan và toàn ngành, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, trong việc thực hiện giữ gìn đạo đức, lối sống, tác phong, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức thanh tra còn có những hạn chế như sau:
Trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn một số công chức làm chưa tốt; chưa có giải pháp hữu hiệu để tiết kịêm tài sản chung.
Trong việc xây dựng phong cách làm việc còn một số cán bộ, công chức làm việc chưa thực sự khoa học. Chưa sắp xếp công việc một cách hợp lý để giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả.
Còn có một số ít cán bộ công chức chưa thực sự say mê, tận tụy với công việc; Chưa thực hiện tốt việc học tập, vận dụng hiệu quả tri thức khoa học vào giải quyết công việc. Sáng kiến trong công tác còn ít. Trong 02 năm 2020, 2021 chỉ có 07 sáng kiến của 09 cá nhân được Chánh Thanh tra tỉnh công nhận.
Để thực hiện tốt nội dung nêu gương trong giữ gìn đạo đức, lối sống, tác phong, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức thanh tra trong thời gian tới Chi bộ Thanh tra tỉnh tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng lãnh đạo quản lý. Thông qua việc giáo dục, học tập nâng cao ý chí, nghị lực để giải quyết những vấn đề khó khăn, thử thách trong thực tế công tác; có khả năng đề kháng với những cái xấu, tiêu cực, tránh được cám dỗ quyền lực, đặc quyền, đặc lợi…
Hai là, từng cán bộ, công chức thực hiện nghiệm Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, công chức thanh tra trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc, tài sản công....
Ba là, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra theo Thông tư số 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021 của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, cụ thể hóa các quy định quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc một cách cụ thể, rõ ràng, khả thi vào quy chế, nội quy của cơ quan.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện nghiêm Quy định số 55-QĐ/TW ngày 10/01/2012 của Ban Bí thư về kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Nông Thị Lệ Quyên, Thanh tra tỉnh